Deutsch - Vietnamese
ĐƯA SÁCH DẠY NGHỀ ĐỨC VỀ VIỆT NAM
Cách đây năm năm, cuốn sách “Chuyên ngành Cơ khí” ra mắt tại TP. Hồ Chí Minh và đạt Giải thưởng sách hay năm 2013 của Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED). Hơn 20 người trong nhóm Nhất nghệ tinh (gồm các kỹ sư và chuyên gia người Việt ở Đức) đã mất đến ba năm để dịch cuốn sách này từ nguyên tác Fachkunde Metall – một trong số những cuốn sách dạy nghề bán chạy nhất của nhà xuất bản chuyên ngành nổi tiếng Europa Lehrmittel (Đức).

Đến nay, tủ sách của nhóm Nhất nghệ tinh đã có thêm ba cuốn sách nghề khác như: Chuyên ngành Điện – Điện tử, Chuyên ngành Ôtô và xe máy hiện đại, Chuyên ngành Cơ điện tử và hai cuốn mới là Cẩm nang Hóa học, Cẩm nang Sinh học sẽ ra mắt đầu tháng 3 năm nay. Ngoài ra, một số sách dự kiến sẽ hoàn thành trong hai năm tới như: Chuyên ngành Chất dẻo, Môi trường, Cẩm nang cơ khí, Chuyên ngành Xây dựng, Chuyên ngành Công nghệ may mặc… “Sau mấy chục năm sống và làm việc ở Đức, chúng tôi muốn đưa những gì mình học hỏi được với hy vọng mang lại một công cụ học nghề hiệu quả cao cho thế hệ trẻ Việt Nam”, kỹ sư Phạm Nam Hương, Điều phối viên của nhóm Nhất nghệ tinh cho biết.

 

 

dua-sach-day-nghe-duc-ve-viet-nam
Buổi ra mắt và tặng sách “Chuyên ngành kỹ thuật xe ôtô và xe máy hiện đại” cho chín thư viện

 

 

Đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề trong nước

“Sách Fachkunde Metall (Chuyên ngành Cơ khí) đã tồn tại hơn 70 năm tại Đức sau Thế chiến thứ hai, từng được dịch ra nhiều thứ tiếng, lần đầu tiên được dịch ra tiếng Việt. Từ trước đến nay, mỗi giáo viên dạy nghề cơ khí có giáo trình riêng, chưa có giáo trình thống nhất và đầy đủ. Quyển sách Chuyên ngành Cơ khí được xem là giáo trình hoàn chỉnh nhất đến thời điểm này”, kỹ sư Lê Tùng Hiếu – Trưởng nhóm dịch thuật cuốn Cơ khí và đồng thời là Cố vấn chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật tại Trường Trung cấp nghề Cơ điện Đông Nam bộ – đánh giá.

Trước đó, từ những năm 2008, tình trạng đào tạo ngành kỹ thuật trong nước có nhiều bất ổn. Các doanh nghiệp thiếu công nhân thạo nghề nghiêm trọng trong khi sinh viên tốt nghiệp đại học thì không có việc làm. Chương trình dạy nghề trên cả nước thiếu tính nhất quán, giáo trình đào tạo ngành kỹ thuật còn nhiều thiếu thốn. Vì vậy, Ủy ban Tương trợ người Việt Nam tại CHLB Đức (VSW) đã cùng  (STF) thành lập dự án xuất bản sách kỹ thuật có tên gọi “Tủ sách Nhất nghệ tinh”, với mục tiêu dịch và xuất bản sách dạy nghề cho học sinh, sinh viên và cả giảng viên, nhằm giúp cho việc đào tạo nghề hiệu quả hơn.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Phan Kim Hổ, một thành viên trong nhóm Nhất nghệ tinh, thì việc dịch cuốn sách khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều so với mường tượng ban đầu. Ông cho biết: “Phần lớn người trong nhóm chúng tôi đi du học ở Đức từ những năm 1968, nên vốn tiếng Việt có khi cập nhật hóa không kịp. Mấy chục người cùng làm việc với nhau rất gắn bó, nhưng mỗi người một văn phong nên khi tổng hợp lại cũng có nhiều điểm không tương đồng. Thêm vào đó có nhiều thuật ngữ Đức và Anh chưa có từ tương đương trong tiếng Việt. Nhưng với tinh thần “cần cù là làm được” của người Đức cùng với tâm huyết hướng về quê hương nên chúng tôi đã hoàn thành những cuốn sách như mong đợi dù mất khá nhiều thời gian và công sức”.

 

 

dua-sach-day-nghe-duc-ve-viet-nam
Kỹ sư Phạm Nam Hương (trái) và Tiến sĩ Phan Kim Hổ, thành viên nhóm Nhất nghệ tinh

 

 

Tường Lam
Doanh Nhân Sài Gòn Cuối Tuần