Deutsch - Vietnamese
TRẢI LÒNG THEO NHỮNG CÂY CẦU

Cầu mới trên kinh Xáng Cùng (Cà Mau), một trong những cây cầu được xây dựng có sự tài trợ của Quỹ Tương trợ người Việt tại CHLB Đức. Ảnh: CT.

(TBKTSG) - Từ bến Bông Hồng trên sông Cà Mau, chiếc ca nô cao tốc lướt đi ào ào qua sông Tắc Thủ, sông Ông Đốc rồi vào kinh Xáng Cùng của thị trấn Sông Đốc. Ca nô lướt đi với tốc độ hơn 50 ki lô mét/giờ vậy mà cũng phải mất một tiếng rưỡi mới đến khu vực ấp 4 và ấp 6 nằm hai bên con kinh.

Ấp 4 nằm phía trong đất liền, còn ấp 6 ở sát ngoài biển. Những mái nhà che tạm nằm dọc hai bên con kinh, đường vào xóm gồ ghề, lầy lội - đây là nơi cư trú của hàng ngàn hộ dân nghèo từ nhiều tỉnh đổ về, phần lớn là dân tạm cư sống bằng nghề đi bạn, đánh bắt cá tôm và các nghề linh tinh khác.

Nối hai ấp này trước đây chỉ có một cây cầu nhỏ, gọi nó là “độc đạo” e cũng không sai. Nhưng cây cầu ấy lâu ngày đã xuống cấp, hư hỏng, sắp sụp. Và nay, thay vào đó là một cây cầu mới bằng bê tông vững chắc, dài 30,5 mét, được trang hoàng cờ xí, đang chờ cắt băng khánh thành (ngày 19-9).

Vị trí đặt quảng cáoNhìn những em học sinh và người dân hai ấp qua lại trên chiếc cầu mới, anh Trang Quan Sen và các anh trong nhóm Việt kiều Đức tài trợ xây cầu không giấu được vẻ xúc động.

Câu chuyện khởi từ chuyến về thăm Cà Mau hồi năm ngoái. Khi biết địa phương đang cần tiếp sức để thực hiện chương trình xóa cầu khỉ, cầu tạm ở các vùng sâu còn nhiều khó khăn của tỉnh, các anh đã quyết định vận động tài trợ gần 150 triệu đồng cho dự án xây dựng bốn cây cầu bê tông - trong đó có cây cầu ở kinh Xáng Cùng này.  

“Anh em chúng tôi muốn làm một điều gì đó giúp người dân nghèo ở đây. Quỹ Tương trợ người Việt tại Cộng hòa Liên bang Đức do chúng tôi lập ra đã lâu, quy mô khiêm tốn, do anh em tự nguyện đóng góp, cho nên khoản tài trợ này không lớn. Nhưng nó gói ghém tình cảm của chúng tôi và những cây cầu này sẽ là cầu nối tình cảm gắn bó giữa người Việt xa xứ với bà con trong nước (*)”, anh Sen tâm sự.

Và cũng bởi cảm nhận cái tình của những người đóng góp xây cầu nên nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã tự nguyện đứng ra giới thiệu, làm đầu mối liên lạc giữa nhóm anh em Việt kiều Đức với địa phương, cũng như tham gia các đợt khảo sát, góp ý kiến cho việc thực hiện dự án.

Phía chính quyền cũng có phần vốn đối ứng từ Quỹ Vì người nghèo và ngân sách địa phương. Tuy nhiên, do tiến độ thi công chậm vì ảnh hưởng trời mưa liên miên, giá vật liệu xây dựng lại tăng cao, phải điều chỉnh vốn nhiều lần (tổng vốn đối ứng khoảng 200 triệu đồng) nên ba cây cầu còn lại vẫn đang thi công và dự kiến sẽ hoàn thành trong khoảng một tháng nữa. Dù vậy, cả đoàn chúng tôi vẫn đến xem việc thi công hai trong số ba cây cầu còn lại. (Ba cây cầu này nằm ở ấp khóm 4 Đông Thới, ấp Đông Mỹ, đầu kinh Phong Lưu thuộc huyện Cái Nước).

Rời kinh Xáng Cùng, chiếc ca nô lại phóng vun vút lượn qua các kinh rạch. Càng vào sâu, nhà cửa càng thưa thớt. Ở đầu kinh Phong Lưu, đơn vị thi công đã đóng cọc, lên mô cầu. Công việc hãy còn bề bộn bởi đây là cây cầu dài nhất của dự án (50 mét). Từ Rạch Bần, cả đoàn chuyển sang vỏ lãi để vào kinh Họa Đồ. Suốt con kinh này, có rất nhiều cầu khỉ và cứ mỗi lần chiếc vỏ lãi sắp băng qua, anh em lại nhắc nhau hụp đầu xuống tránh những thân cây bắc ngang làm cầu.

Điểm xây cầu Đông Thới nằm gần trường phổ thông của xã. Ông Trần Thanh Liêm, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quôc tỉnh Cà Mau, chỉ chiếc xuồng ba lá đậu sát bờ kinh, nói: “Cả trăm em học sinh từ bên kia kinh sang học bên này mà chỉ nhờ vào chiếc xuồng nhỏ đó. Nhiều lúc không kịp giờ học, có đứa phải cởi áo quần, đội sách vở trên đầu lội qua kinh. Mùa nước lớn, lội vậy nguy hiểm lắm”. Giờ thì từ hai bên bờ kinh đã hình thành hai nhịp cầu bê tông, chỉ còn thêm nhịp giữa là hoàn tất.

Ở miền đất mà con người thì nồng hậu, chân chất, đất đai sông rạch ngồn ngộn sức sống với nhiều nét hoang dã này, còn bao nhiêu cây cầu khỉ “lắt lẻo, gập ghềnh khó đi” ở các vùng sâu nghèo khổ? Chắc là còn nhiều, cho dù chương trình “xóa cầu khỉ” đã được thực hiện từ nhiều năm qua. Cho nên những cây cầu tình nghĩa có phần đóng góp của những người thiện tâm quả là món quà vô cùng quý giá. 

CÔNG THẮNG

_______________________________________

(*) Nhóm anh em Việt kiều Đức đi chuyến này, ngoài anh Trang Quan Sen còn có các anh Bùi Thiện Vi, Hà Văn Lượm, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Tấn Đức, Khương Long Thuận, Nguyễn Lê Tiến và Nguyễn Hải. Phụ trách Quỹ Tương trợ người Việt tại Cộng hòa Liên bang Đức là anh Đặng Văn Châm.